Tang thương vùng quê nghèo của những công nhân bị điện giật chết

(Dân trí) - Đặt chân đến xã nghèo Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, một bầu không khí tang thương đang bao trùm lên làng quê vốn yên bình này bởi sự ra đi của những con người xấu số. Tiếng bố mẹ khóc con, ông khóc cháu, em khóc anh… như cào xé lòng người.

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 15h ngày 1/11 đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Trong quá trình thi công đường dây điện, do chập điện, 6 công nhân đang thi công chết ngay tại chỗ, 2 công nhân khác bị thương nặng. 

Nỗi đau của những người thân nạn nhân Trương Công Trường.
 
Đến thăm gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn chiều ngày 1/11 tại xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), từ xa, chúng tôi đã vẳng nghe tiếng gào thét đến khàn giọng của những người thân. 4 nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm này cùng trú tại thôn Liên Sơn, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, trong đó có 3 nạn nhân là anh em trong cùng một dòng họ.
 
Gạt đi những giọt nước mắt đau xót, bác Trương Công Du (bố anh Trương Công Trường, SN 1991) nói với giọng yếu ớt: “Khổ lắm các anh ơi, cháu nó mới đi làm chưa được 15 ngày đã xảy ra chuyện đau lòng thế này. Cháu nó vốn là đứa con ngoan, rất thương bố mẹ”. 
Em trai tiễn anh trong nước mắt.
 
Gia đình nạn nhân Trương Công Trường là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Mẹ Trường có tiền sử về bệnh tim, hễ cứ trái gió trở trời hay xúc động mạnh là cô lại bị ngất, không làm được việc nặng. Bố Trường không được tháo vát, lanh lợi như người ta nên lao động chính trong gia đình phụ thuộc vào Trường. Gia đình vốn làm nghề nông với 2 sào ruộng và ít đất bãi nên kinh tế rất khó khăn. Ngay đến ngôi nhà đang ở cũng nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mới xây được.
 
Là người con trai cả trong gia đình có hai anh em nên gánh nặng gia đình đè lên vai cậu thanh niên trẻ tuổi. Học xong lớp 9, Trường nghỉ học để ở nhà đi làm thuê kiếm tiền nuôi em ăn học và phụ giúp bố mẹ. Điều kiện gia đình khó khăn nên em Trường là Trương Công Trinh (1996) cũng nghỉ học giữa chừng.
 
Làm ruộng không đủ ăn, Trường phải bôn ba vào Nam ra Bắc, đi làm đủ các nghề để mưu sinh. Cuối tháng 10/2011, có một người bạn rủ Trường đi làm công nhân kéo đường dây điện cho một chủ đầu tư nên Trường đi theo làm và xảy ra tai nạn.
 
Gia đình nạn nhân Trương Công Điệp (1994, cùng thôn Liên Sơn) cũng không khấm khá hơn gia đình Trường là bao. Nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Điệp cũng tha phương cầu thực trong Nam ngoài Bắc rồi làm công nhân cho một chủ đồng tôm ở Hà Nội.
 
Cảnh xa nhà vất vả, khó nhọc nên Điệp về quê phụ giúp bố mẹ việc nhà. Được một người bạn rủ đi làm công nhân kéo đường dây điện trong Nông Cống nên Điệp đồng ý đi cùng hai người anh em họ là Trường và Quang. Làm được 15 ngày thì Điệp bị nạn.
Ông Nội Trương Công Muội tiễn 3 đứa cháu ra đi cùng một lúc.
 
Bác Trương Công Hiệp (bố của Điệp) rộc người đi vì thương con, hai cặp mắt sưng quầng: “Mấy hôm trước tôi có gọi điện cho cháu nói có ứng trước được ít tiền làm thuê để gửi về quê cho bố nộp các khoản trên xã, cháu nó cũng đồng ý. Gia đình chưa nhận được tiền thì con đã từ bỏ bố mẹ và đứa em gái đang còn học.”
 
Cách gia đình nạn nhân Điệp vài bước chân là gia đình nạn nhân Trương Công Quang (1991, anh em họ của hai nạn nhân Trường và Điệp. Mẹ Quang ngồi ôm mặt gào thét tên con bên quan tài, tiếng kêu như yếu dần vì sự đuối sức. Bố Quang cũng không giấu được những giọt nước mắt vì thương đứa con trai tội nghiệp với tuổi đời còn quá trẻ.
 
Là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã nên Quang cũng phải lăn lộn, bươn chải cuộc sống từ nhỏ. Theo anh em, bạn bè đi làm công nhân kéo đường dây điện với hi vọng cải thiện cuộc sống gia đình và dành tiền lấy vợ. Nhưng tất cả những ước mơ, niềm mong ước giản dị đó các em vẫn chưa thực hiện được, ngay cả lời trăn trối với gia đình các em cũng chưa nói được.
 
Hầu hết gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn đều là những gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn và túng quẫn nên các em mới phải đi làm thuê.
 
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nạn nhân nhanh chóng được đưa về gia đình. Bà con hàng xóm, các tổ chức, đơn vị trong trong xã, thôn đã đến chia buồn, người cho cân gạo, người chai rượu, bó củi...
 
Trao đổi nhanh với phóng viên báo chí, ông Phạm Văn Mầu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Liên cho biết: “Sau khi nắm được thông tin vụ việc, chúng tôi đã tổ chức thăm hỏi, động viện gia đình các nạn nhân và hỗ trợ cho mỗi gia đình số tiền trị giá 1 triệu đồng để lo mai táng. Sáng ngày 2/11, các đoàn thể của tỉnh Thanh Hóa, huyện Nông Cống, huyện Cẩm Thủy cũng đã đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân và hỗ trợ một phần tiền mai tang cho các gia đình”. 

 Lan Anh

Ý kiến của bạn:
 
Hộ và tên: *
Email: *
Tiêu đề: *
Nội dung: *
Đánh giá:
Bạn nhập mã bảo vệ vào ô bên cạnh: *
 
Xã hội
Đinh tặc "tái xuất giang hồ" (02/11/11)
Vụ CSHS nổ súng: Sẽ cho đối chất (02/11/11)
10 năm một cây cầu “rùng rợn” (01/11/11)
“Tiền hỗ trợ dân rơi rớt nhiều quá” (01/11/11)
Va quẹt xe, cảnh sát hình sự bắn người (01/11/11)
7 tỷ người - một niềm vui, nhiều nỗi lo (31/10/11)
Lý Hải tặng nhà và học bổng cho học sinh nghèo (31/10/11)
Việt Nam và bài học từ trận lụt Bangkok (31/10/11)
Làm nửa vời, sao hết tắc đường! (28/10/11)
Bangkok sẽ ngập hoàn toàn? (27/10/11)