Chiến tranh giữa các hệ điều hành
Vị trí của Symbian đang bị lung lay bởi Apple Mac OS, RIM BlackBerry OS hay Google Android hay Palm Pre. Ảnh: 3G. |
Được thành lập hơn 10 năm trước bởi các đại gia Psion, Nokia, Ericsson, Matsushita, và Motorola để "đương đầu" với "kẻ độc quyền" Microsoft, Symbian đang phải chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt chưa từng có. Thật vậy, chỉ trong hai năm qua, thị phần của Symbian đã giảm từ 70 xuống dưới 50 phần trăm. Chưa hết, đối tác chính của họ là Nokia còn để vuột mất "món hời béo bở" đi kèm, các cửa hàng trực tuyến (Online Store), vào tay Apple. Bằng chứng là chỉ sau hai tháng xuất hiện (từ tháng 7 đến tháng 9/2008), App Store của "Quả Táo" đã thu hút được 200 triệu lượt download và gần đây đã vượt mốc một tỷ lượt, trong khi Nokia Download vẫn đang trầy trật với con số 90 triệu có được sau... 2 năm.
Những hối thúc đó đã dẫn đến việc "mua đứt" Symbian của Nokia, sự thành lập của liên minh Symbian Foundation, cùng với hướng đi "mã nguồn mở" cho hệ điều hành này. Lý giải việc phải chạy theo sau đối thủ, David Wood, chiến lược gia tại Symbian, cho hay, "việc Symbian trở thành nguồn mở khó xảy ra sớm hơn, vì các hãng điện thoại tỏ ra không thoải mái với khái niệm open source."
Nokia đã mua đút Symbian. Ảnh: Deviantart. |
Mở cửa "kẻ khổng lồ" Symbian
Nếu có ai nói Symbian là "khổng lồ" quả cũng không ngoa. Công sức 10 năm của các lập trình viên làm nên 40 triệu dòng lệnh, được chứa trong 450.000 tập tin, ngang bằng với Windows XP. Quá trình "mở cửa" dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2010. Trang web dành cho các nhà phát triển vừa chính thức khai trương tại http://developer.symbian.org, cung cấp các nguồn tài nguyên và một forum cho người sử dụng trao đổi các thông tin về lập trình.
Với trang web này, Symbian mở cửa cho những đóng góp từ bên ngoài để cải tiến hệ điều hành mới. David Wood kỳ vọng phần đóng góp đó sẽ đạt mức 50% trong 3 năm tới, bởi hiện nay, Nokia, "ông chủ" của Symbian vẫn là thành phần tham gia chính. Với bước đi này, Symbian sẽ không cần đội ngũ kỹ sư phần mềm riêng, mà chỉ đơn thuần là nơi thu thập, xác nhận và tích hợp những thành phần được đóng góp từ bên ngoài. Hiện nay, một giao diện hệ điều hành mới mang tên Direct UI cũng đang được nhen nhóm, hứa hẹn khả năng lướt tay điều khiển mà không cần trực tiếp chạm vào màn hình, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, Symbian cho biết sẽ không có một kho ứng dụng hợp nhất cho tất cả các thiết bị chạy hệ điều hành này vì các hãng điện thoại cũng như nhà mạng đều muốn có một cái kho của riêng mình. Đây là một trở ngại cho những nhà phát triển, vì phần mềm họ viết ra phải "nói chuyện" được với nhiều kho ứng dụng khác nhau, do vậy việc cho ra đời quy trình phát hành đồng bộ, thống nhất ngay từ đầu là hết sức cần thiết. Một số tiêu chí nhất định sẽ được đặt ra, và phần mềm nào thỏa mãn những điều kiện này thì sẽ được chấp nhận đồng thời trên khắp các cửa hàng.
Một giao diện lập trình đơn giản sẽ là lời mời chào hữu hiệu nhất. Ảnh: Blogchri. |
Symbian hiểu được rằng muốn ý tưởng này thành công, cần phải có được sự ủng hộ của những người viết phần mềm, một giao diện lập trình đơn giản sẽ là lời mời chào hữu hiệu nhất. Hiện môi trường làm việc mà Symbian cung cấp vẫn bị coi là quá phức tạp so với iPhone hay Android, vì lý do đó mà toàn bộ ê-kíp hỗ trợ, lực lượng đông đảo nhất tại Symbian Foundation, đang tập trung vào cải tiến công cụ phát triển để giải quyết nỗi lo này.
Thế nhưng, các hãng khác cũng đang "ve vãn" những nhà phát triển phần mềm rất thành công, vậy điều gì sẽ làm nên sự khác biệt ở Symbian?
Thứ nhất, Symbian sẽ "mở" không chỉ ở mã nguồn mà ở cả khả năng được gọi là "quản trị". Theo đó, bạn sẽ được cung cấp lộ trình chi tiết để lập kế hoạch phát triển từ rất sớm (mà Symbian đã công bố).
Thương hiệu này có kinh nghiệm lâu năm trong việc viết hệ điều hành chạy trên nhiều hệ máy khác nhau.
Tính tương thích với các thiết bị cao, những ứng dụng cũ vẫn có thể được tiếp tục sử dụng trên điện thoại mới.
Hệ điều hành có kKhả năng thay đổi linh hoạt, mà chất lượng vẫn được giữ ổn định.
Nhữ Đình Ngọc Anh, SOHOA.NET