Sai phạm tại Vinashin: Thiệt hại gần 907 tỉ đồng

TT - Kết thúc điều tra vụ án “cố ý làm trái quy địnhcủa Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại về tài chính của vụ án gần 907 tỉ đồng.
Tàu Bạch Đằng Giang bị bán, gây thiệt hại 27 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI

 

 

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Hoàng Anh Vinashin

Quá trình điều tra vụ án tại Vinashin, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an phát hiện có dấu hiệu của nhóm hành vi tham nhũng tại Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin nên đã khởi tố vụ án “tham ô tài sản”. Cơ quan an ninh điều tra đã tách vụ án tham nhũng này để tiếp tục điều tra xử lý.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố chín bị can, gồm: Phạm Thanh Bình (58 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin), Trần Văn Liêm (56 tuổi, nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin), Nguyễn Văn Tuyên (49 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy - CNTT - Hoàng Anh Vinashin), Nguyễn Tuấn Dương (45 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long), Tô Nghiêm (52 tuổi, nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà), Trịnh Thị Hậu (47 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT), Hoàng Gia Hiệp (39 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT, giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT), Trần Quang Vũ (53 tuổi, nguyên tổng giám đốc Vinashin), Đỗ Đình Côn (49 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin).

 

Đối với hai bị can Hồ Ngọc Tùng (53 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT) và Giang Kim Đạt (34 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin) bỏ trốn, Cơ quan an ninh điều tra ra lệnh truy nã, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cố tình mua tàu Hoa Sen khi Thủ tướng không cho phép

Đầu năm 2007, ông Phạm Thanh Bình (khi đó là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) được Công ty Maersk Broker (Singapore) môi giới bán cho tàu Cartour (sau này có tên là tàu Hoa Sen) của Ý. Ông Bình đã giao cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Viễn Dương) do ông Trần Văn Liêm làm giám đốc thực hiện việc mua tàu.

Nhằm hợp thức hóa việc mua tàu, ông Bình ký công văn gửi Thủ tướng đề nghị cho Vinashin đóng mới sáu tàu biển cao tốc chở khách, trước mắt đề nghị cho thuê, mua hai tàu biển chở khách của nước ngoài. Dù Thủ tướng chưa có ý kiến nhưng HĐQT Vinashin vẫn ra nghị quyết đầu tư tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có hai công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ cho đóng mới tàu chở khách nhưng ông Phạm Thanh Bình không thông báo ý kiến này cho các thành viên HĐQT, tiếp tục chỉ đạo ông Trần Văn Liêm thực hiện mua tàu Cartour.

Dù báo cáo khả thi của dự án chưa lập xong, dự án chưa được thẩm định và phê duyệt nhưng ông Phạm Thanh Bình chỉ đạo việc mua con tàu với giá 60 triệu euro, không cần thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh theo quy định. Ký hợp đồng mua tàu xong, ông Liêm mới chỉ đạo thuộc cấp làm tờ trình lên tập đoàn, ghi lùi ngày và chèn số văn bản, để ông Bình ký quyết định phê duyệt dự án cho phù hợp. Kết quả giá mua tàu Cartour là 60 triệu euro cùng hơn 311.000 USD tiền nhiên liệu và đổi tên thành tàu Hoa Sen.

Do việc khảo sát hạ tầng dự án không đầy đủ nên hệ thống cầu cảng của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của tàu Hoa Sen, Công ty Viễn Dương phải điều chỉnh dự án, đầu tư xây dựng thêm cầu cảng. Tháng 2-2008, ông Bình ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 66 triệu euro (gần 1.500 tỉ đồng). Tuy nhiên, tàu Hoa Sen chỉ hoạt động được 39 chuyến thì phải dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả. Cơ quan an ninh điều tra cho rằng hành vi phạm tội của các bị can gây thiệt hại gần 470 tỉ đồng trong thương vụ này.

Bán vỏ tàu không xin ý kiến tập đoàn

Năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD và được Chính phủ cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu chở tàu hút bùn sang Iraq. Tàu này chỉ hoạt động được một chuyến phải dừng lại. Năm 2006, ông Trần Quang Vũ (tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu) đề nghị tập đoàn cho tiếp nhận con tàu này (khi đã được đổi tên thành Bạch Đằng Giang) nhằm hoán cải thành khách sạn nổi bốn sao.

Do chi phí quá cao, Công ty Nam Triệu không thực hiện dự án hoán cải, nâng cấp tàu Bạch Đằng Giang và ông Vũ có công văn xin bán tàu. Vinashin có công văn cho phép bán với giá khởi điểm gần 149,5 tỉ đồng nhưng qua đấu giá, bên mua chỉ trả cao nhất 75 tỉ đồng. Ông Vũ chỉ đạo bán thanh lý vỏ tàu. Dù tập đoàn chưa có ý kiến về việc này nhưng ông Vũ vẫn bán vỏ tàu với giá hơn 66 tỉ đồng. Trong vụ việc này, Nhà nước bị thiệt hại trên 27 tỉ đồng.

Tại dự án đầu tư tàu Bình Định Star của Công ty cổ phần CNTT Bình Định, cơ quan điều tra xác định các bị can đã gây thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng.

Mua nhà máy điện cũ nát

Không chỉ sai phạm trong các dự án tàu thủy, Vinashin còn mắc nhiều sai phạm trong các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 312 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân (Quảng Ninh) gây thiệt hại hơn 66,5 tỉ đồng.

Đầu năm 2006, ông Nguyễn Văn Tuyên (giám đốc Công ty CNTT Hoàng Anh Vinashin) bàn bạc với ông Nguyễn Tuấn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) về hợp tác xây dựng nhà máy điện. Sau khi thống nhất chủ trương, ông Nguyễn Tuấn Dương ký hợp đồng với Công ty Seobong Recycling (Hàn Quốc) mua hai nhà máy nhiệt điện cũ với giá 6,8 triệu USD cho dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và mua của Công ty Daekyung Machinery (Hàn Quốc) một tổ máy cũ với giá 5,8 triệu USD. Cả ba tổ máy được thỏa thuận đưa vào dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Khi cơ quan chức năng còn đang thẩm định dự án, ngày 12-7-2007 dự án trên đã được khởi công. Sau đó vài ngày, Bộ Công nghiệp (cũ) có công văn yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án do không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án quá lạc hậu. Cơ quan an ninh điều tra xác định các máy biến thế đưa vào Việt Nam có chứa chất PCB độc hại và các bị can đã sử dụng văn bản giả danh Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Thương mại (cũ) để làm thủ tục xuất hàng tại Hàn Quốc, đồng thời ghi lùi ngày hợp đồng nhập khẩu ủy thác để nhập hàng vào Việt Nam.

Tương tự, tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, mặc dù chưa lập xong và phê duyệt dự án nhưng năm 2002, ông Tô Nghiêm đã ký hợp đồng mua bán dây chuyền máy móc, thiết bị với Công ty Jacobsen Elektro As (Na Uy), thỏa thuận cho công ty này làm tổng thầu tháo dỡ một dây chuyền máy móc, thiết bị điện từ Trung Quốc về lắp đặt.

Do giá bỏ thầu của Jacobsen cao hơn giá dự án nên ông Phạm Thanh Bình chỉ đạo ông Tô Nghiêm, Hồ Ngọc Tùng viết lại dự án, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 592 tỉ đồng (gần 39 triệu USD) để dự án nằm trong nhóm B, thuộc thẩm quyền phê duyệt của ông Bình, phù hợp với giá dự thầu. Tháng 6-2005, nhà máy chưa lắp đặt xong, chưa nghiệm thu nhưng ông Bình chỉ đạo ông Tô Nghiêm ký biên bản chứng nhận chạy thử, bàn giao công trình để thanh toán hết giá trị hợp đồng cho Jacobsen. Hậu quả là nhà máy hoạt động không hiệu quả, từ năm 2007-2009 lỗ trên 57 tỉ đồng và từ năm 2009 đến nay ngừng hoạt động hoàn toàn.

MINH QUANG

Ý kiến của bạn:
 
Hộ và tên: *
Email: *
Tiêu đề: *
Nội dung: *
Đánh giá:
Bạn nhập mã bảo vệ vào ô bên cạnh: *
 
Xã hội
Tai nạn liên hoàn trong hầm Hải Vân, 5 người bị thương (27/09/11)
Uyên Linh nhiệt tình chào fan từ xe taxi (27/09/11)
'Đá bóng' trách nhiệm sửa đường dẫn vào cầu Phú Mỹ (27/09/11)
Bão số 4 gây mưa to, bão Nesat đang vào biển Đông (27/09/11)
'Bệnh viện chúng tôi đang tự ăn thịt mình' (21/09/11)
Xe hơi dát 80 kg vàng (21/09/11)
Một công nhân có 50 đứa con (21/09/11)
Văn Mai Hương trần tình về việc "được Lê Hiếu đón đưa đi diễn" (16/09/11)
Vụ nghệ sĩ mặc phản cảm: Phạt cho ra phạt (16/09/11)
Đề nghị truy tố 4 công an về tội “dùng nhục hình” (15/09/11)