Nét kém duyên của "Siêu mẫu 2011"
Mùa giải Siêu mẫu 2011 vừa khép lại, một lực lượng siêu mẫu mới được xướng tên. Ai sẽ nỗ lực, có thể dùng danh hiệu đạt được để làm bàn đạp tiến nhanh đến đích thành công giống Xuân Thu, Hoàng Yến hay Ngọc Thạch? Ai sẽ nối gót theo con đường lui vào miền xa thẳm như Giải vàng siêu mẫu 2009 Ngọc Bích? Phần trả lời sẽ được thể hiện rõ nét nhất ở những hành động thiết thực của người được giải với sự nghiệp mình sẽ dấn thân.
Giải thưởng năm nay không gây ồn ào và huyên náo như năm Vĩnh Thụy và Thanh Tuyền trượt giải. Có thể nói giải thưởng Siêu mẫu 2011 đã thành công trong việc chọn ra những gương mặt sáng giá cho những danh hiệu cao quý. Cuộc thi là cả một chặng đường dài với nhiều thử thách. Không chỉ thí sinh mà ban tổ chức cũng tốn khá nhiều công sức để giúp 30 thí sinh góp mặt ở vòng chung kết có nhiều cơ hội được thể hiện bản lĩnh, có cơ hội mài giũa và rèn luyện mình trong khoảng thời gian cực ngắn.
30 thí sinh trong đêm chung kết
Nhưng thành công cũng chưa thể xem là trọn vẹn khi mà đêm chung kết của cuộc thi để lộ những nét kém duyên. Điều tối kỵ ở những sân chơi chuyên nghiệp và đang được nâng tầm lên đẳng cấp.
Dance sport giúp thí sinh "khoe" sở đoản
Bộ môn khiêu vũ thể thao hay còn gọi là dance sport đòi hỏi cả một quá trình miệt mài rèn dũa trên sàn tập. Để thực hiện được những bước nhảy cơ bản của bộ môn nghệ thuật này không phải ngày 1 ngày hai là có thể thực hiện được. Ngay cả người có năng khiếu, nhạc cảm tốt cũng mất khá nhiều thời gian. Chính vì thế việc đưa dance sport vào nội dung thi ở đêm chung kết không khác nào hại thí sinh. Khán giả theo dõi tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và khán giả truyền hình cả nước có thể thấy được sự ngập ngừng, “chập chững” của các thí sinh trong những vũ điệu. Các bạn bước đi những bước cơ bản trong khiêu vũ phong trào chứ chưa thể gọi là dance sport.
Cặp thí sinh thể hiện vũ điệu Samba.
Những bước nhảy Rumba chụp giật theo nhịp 1-2-3 à 1-2-3 không khác nào phong trào “khiêu vũ công viên”. Phần nhảy Samba thay vì thể hiện sự đánh hông, bước chân nhún nhẩy thì các thí sinh “ngoáy tít thò lò” và từ đầu chí cuối cứ thế là “ngoáy” và rung ngực liên hồi. Trong phần thi này, 3 cặp thí sinh cùng thể hiện 1 tiết điệu và nét nổi bật là mạnh ai người ấy làm, sân khấu choáng ngợp với tay chân vung loạn xạ. Nhiều trường hợp, tiết nhịp của bản nhạc không ăn nhập với bước đi, động tác tay.
Theo cách đánh giá chung của nhiều nhà chuyên môn về giới người mẫu: 3 yếu tố cực kỳ quan trọng là vẻ đẹp hình thể, phong cách catwalk chuyên nghiệp, sắc thái gương mặt biểu đạt tốt. 3 yếu tố tạo tiền đề và giúp người mẫu thành hay bại trên con đường theo nghề. Nhưng với màn thi dance sport không giúp thí sinh làm nổi bật lợi thế của mình cũng như giúp người mẫu thể hiện sở trường, chỉ thấy sở đoản liên tục được phơi bày.
MC kiêm nhiệm vụ... dàn hàng!?
Để chuẩn bị cho đêm chung kết, 30 thí sinh đã mất khá nhiều thời gian để tập luyện, tổng duyệt chương trình. Đặc biệt, với một chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Quốc gia tất cả đều phải được chuẩn bị chu đáo, đơn vị thời gian được đo từng giây, hạn chế tối đa sai xót dù là nhỏ nhất. Không hiểu diễn tập thế nào mà thí sinh khá lúng túng trong quá trình dàn đội hình trên sân khấu. Top siêu mẫu đứng “dúm dó”, khổ thân cho MC Quốc Bình, suốt quá trình diễn ra đêm chung kết anh đã phải gánh vác những lỗi “vụng miệng, kiệm từ” của MC Vân Trang, đoạn gần cuối đêm chung kết anh còn phải ra giữa sân khấu dàn hàng cho thí sinh. Hình ảnh này gợi nhớ các anh chị phụ trách đội thời tiểu học vẫn thường làm để làm sao đội hình đồng ca của các học trò thật đều và thật đẹp.
Minh Tú (váy xanh) cũng khá kém duyên khi chen vào giữa Kiều Trang và Ái Phương để có được vị trí đẹp tại trung tâm sân khấu.
Nhiếp ảnh gia bị thay tên đổi họ
Nhiếp ảnh gia Quốc Huy và Nguyễn Long chắc phải buồn lòng lắm. Bởi cả chặng đường dài phấn đấu với bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh, họ mới tạo dựng được “thương hiệu” riêng. Do lỗi kỹ thuật mà trong phút chốc tên của hai anh đã được đổi thành "thí sinh Mạnh Hiệp" và thí sinh Trí Thông"; mặc dù trên màn hình phát sóng vẫn hiển thị hình ảnh và những chia sẻ đầy cảm xúc của các anh về thí sinh trong suốt quãng thời gian đi theo và cống hiến hết mình cho cuộc thi.
Đoạn trả lời phỏng vấn của 2 nhiếp ảnh gia này không quá ngắn để nhân viên kỹ thuật kịp sửa sai. Nhưng cả êkip làm truyền hình trực tiếp như "đứng" lại. Sự thụ động này càng khiến cái nhìn của khán giả về nhà đài và chương trình trở nên bi thảm hơn bao giờ hết.
Ngán ngẩm với phần thi “Ai thuộc bài nhất”
Phần thi ứng xử của thí sinh được xây dựng theo mô hình “cả lớp xếp hàng trả bài”. Tất nhiên cô giáo, thầy giáo không ngoài ai khác là hai MC của chương trình. Họ thay nhau hỏi những câu hỏi chung chung, giản đơn. Ấy thế mà cũng khiến cho Thu Phương – cúp vàng Siêu mẫu 2011 ấp úng mãi sau mới “thốt nên lời”. Ngoài phần trả lời lưu loát và khá sắc sảo của Mạnh Hiệp và Ái Phương, còn lại các thí sinh đều rơi vào tình trạng “học vẹt”. Đặc biệt là thí sinh Lê Kiên Định - cúp bạc Siêu mẫu 2011, anh trả lời trôi trảy đến độ lạc đề không hay. Thanh Hằng thì vấp phải chuyện nói dài hóa ra nói dại.
Ái Phương thể hiện phần "trả lời câu hỏi giao lưu".
Ban giám khảo “đuối sức” vì trao giải
Ngoài nhiệp vụ “cầm cân nảy mực” thành viên Ban giám khảo còn thêm vai trò trao giải. Đây là nhiệm vụ không thể thiếu của thành viên ban giám khảo ở mỗi cuộc thi. Nhưng với Siêu mẫu 2011 xem chừng nhiệm vụ này có phần hơi nặng nề. Và cách bố trí khách mời danh dự lên trao giải chỉ luẩn quẩn trong danh sách ban giám khảo cho thấy độ kém đẳng cấp của một chương trình với cái tên khá hoành tráng – Siêu mẫu Việt Nam. Chí ít thì cũng cần những tên tuổi đình đám trong làng người mẫu, thời trang Việt.
Lỗi về kỹ thuật, cách xây dựng hình thức thi chưa mấy hợp lý, sự chuẩn bị chưa mấy chu đáo, tính thiếu logic và chặt chẽ trong kết cấu chương trình đêm chung kết phần nào làm cho sự thành công của mùa giải năm nay không mấy trọn vẹn.