Miền Trung vật vã trong lũ

TT - Ngày 8-11, nước lũ tại các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định... vẫn ở mức cao, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, nhiều cụm dân cư bị cô lập hoàn toàn, giao thông nhiều khu vực bị chia cắt...
Xe tải 75H-6322 chạy trên tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Quảng Thanh (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) thì bị nước lũ cuốn, tài xế may mắn thoát nạn - Ảnh: NGUYÊN LINH

 

Xem video Huế ngập trong lũ do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện
Xem video ven đô Đà Nẵng chìm trong lũ do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

>> Miền Trung nhiều nơi chới với trong lũ

Đến chiều tối 8-11, các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy thi thể hai nạn nhân bị lũ cuốn trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Quảng Nam: thêm 8 người chết

Lúc 10g ngày 8-11, em Nguyễn Quốc Vương (lớp 8 Trường THCS Trần Phú, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn) cùng em Nguyễn Phi Định (lớp 9) đi học. Khi đến quốc lộ 1A thì nước quá lớn nên hai em rẽ sang đường liên thôn nhưng bị lũ cuốn trôi. Định may mắn được cứu sống, Vương bị nước lũ nhấn chìm mất tích.

Tại Đông Giang (Quảng Nam) đến chiều 8-11, lực lượng tìm kiếm mới phát hiện thi thể cô giáo Trương Thị Nhân, giáo viên Trường THCS A Vương, huyện Đông Giang tại khu vực dốc Brùa, xã A Vương. Trước đó, khoảng 4g sáng 7-11 trên đường từ TP Đà Nẵng đến nơi dạy học, cô Nhân đã bị lũ cuốn trôi cùng chiếc xe máy. Như vậy tính đến 17g ngày 8-11, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, đã có thêm tám người chết và mất tích do lũ cuốn, nâng tổng số người chết tại Quảng Nam tính từ đầu cơn lũ lên 17 người.

Điều đáng nói là dù ngày 8-11 toàn tỉnh Quảng Nam trời không mưa, tuy nhiên nước vẫn rút rất chậm. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, do sóng biển lớn kèm theo áp thấp nên các cửa sông bị “hàn” miệng khiến nước thoát ra cửa biển rất chậm, trong khi đó các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn vẫn tiếp tục xả lũ. Đến chiều tối cùng ngày, do nước lũ vẫn còn cao nên ngành điện lực quyết định cắt điện tại tám huyện trong địa bàn tỉnh khiến cuộc sống người dân hết sức khó khăn.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, đến chiều 8-11 mực nước lũ ở các vùng ngoại ô vẫn ở mức cao, nhiều khu dân cư bị ngập nặng khiến người dân đi lánh nạn chưa thể trở về nhà. Tại huyện Hòa Vang, các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Phước... thôn làng vẫn còn bị nước nhấn chìm. Nặng nhất là xã Hòa Phong nước còn ngập quá cửa sổ, nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà che chắn bạt tạm bợ để trú ẩn. Theo UBND xã Hòa Khương, trưa 8-11 ông Đặng Tánh (48 tuổi, thôn La Châu) trong lúc đi chống lũ không may bị trượt chân ngã chết trước sân nhà.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hóp và cháu ngoại (P.Phú Bình, TP Huế) thoát chết nhờ cái tra (gác lửng sát trần nhà) - Ảnh: NGUYÊN LINH

 

Tàu lửa mắc kẹt

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 8-11 hầu như toàn bộ TP Huế và các huyện, thị xã ven sông Hương bị ngập sâu trong nước lũ. Toàn tỉnh có hơn 36.000 nhà bị ngập, nhiều nhà ngập 1,5m, hàng trăm cụm dân cư bị cô lập, chia cắt, phần lớn phải đi lại bằng ghe thuyền. Tất cả tuyến đường bộ đều bị ngập với nhiều đoạn ngập rất sâu, giao thông tê liệt. Đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh này cũng bị ngập đến 50cm ở đoạn Huế - Văn Xá khiến năm đoàn tàu khách bị kẹt tại các ga, đến chiều mới thông tuyến trở lại. Tỉnh có ít nhất 40 hồ đập bị hư hỏng cùng nhiều tuyến đê ngăn mặn và kênh mương bị sạt lở, xuống cấp. Bờ biển khu vực Thuận An - Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị xâm thực nặng trên chiều dài khoảng 3km, làm sập tường rào và uy hiếp một khu du lịch cao cấp ở đây...

Sáng cùng ngày, một thi thể được phát hiện trôi trên sông An Cựu. Nạn nhân được xác định là em Nguyễn Hữu Khá (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Long Quảng, bị lũ cuốn trôi tại xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông ngày 5-11).

Hàng chục ngàn học sinh phải nghỉ học

Ngày 8-11, Bình Định không còn mưa to nhưng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, đồng thời hồ thủy lợi Định Bình xả lũ trước đó đã làm các khu dân cư ven đê đông của hai huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục ngập trong lũ, gần 1.000 nhà dân bị ngập 0,3-0,5m.

Tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước có gần 500 nhà dân phía hạ lưu sông Côn ở các thôn Lạc Điền, Đông Điền, An Lợi, Phổ Đồng bị ngập trong lũ. Hơn 25.000 học sinh các cấp ở các xã phía đông huyện Tuy Phước tiếp tục nghỉ học ngày 8-11. Gần 10.000 công nhân ở những địa phương này không thể đến làm việc tại các khu công nghiệp ở TP Quy Nhơn. Tuyến xe buýt từ Quy Nhơn đi Gò Bồi (huyện Tuy Phước) và Cát Tiến (huyện Phù Cát) tạm ngừng hoạt động.

Đến chiều cùng ngày, người nhà và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm thấy thi thể cháu Võ Hồng Lam, 10 tuổi, ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân. Trước đó, chiều 7-11 trong lúc vớt củi tại cầu Bằng Lăng, cháu Lam đã bị lũ cuốn trôi.

Nhóm PV miền Trung

Ý kiến của bạn:
 
Hộ và tên: *
Email: *
Tiêu đề: *
Nội dung: *
Đánh giá:
Bạn nhập mã bảo vệ vào ô bên cạnh: *
 
Xã hội
Chuyện "người giàu cũng khóc" ở Phú Mỹ Hưng (09/11/11)
Tìm được bé sơ sinh bị bắt cóc (09/11/11)
Em gái bán kẹo kéo (22/11/11)
Tận cảnh sàm sỡ trắng trợn ở chỗ đông người (06/01/12)
Cha mẹ hai bé chết vì nổ gas chưa biết con tử nạn (08/11/11)
Bộ trưởng GTVT gửi thư khen thai phụ lao ra đường sắt cứu người (08/11/11)
Những tiếng kêu cứu trong chiếc xe bị cháy (08/11/11)
Chạy lũ trong đêm (08/11/11)
Tai nạn giao thông thảm khốc, 10 người chết, hơn 20 người bị thương (07/11/11)
Một nữ sinh gặp nạn trên đường đua (07/11/11)